TNTT được bắt nguồn từ Hội Tông Đồ cầu nguyện (HTĐ-CN) và được thành lập vào năm 1915 tại Pháp bởi linh mục Albert Bessières, SJ. Sau đó HTĐ-CN được lan tràn trên thế giới và sang Việt Nam năm 1929. Khi đến Việt Nam Hội Tông Đồ Cầu Nguyện được đổi tên thành Hội Nghĩa Binh Thánh Thể. Sau nhiều năm sinh hoạt và để được biến đổi cho thích hợp với hoàn cảnh xã hội và tuổi trẻ theo thời đại, Hội Nghĩa Binh Thánh Thể được đổi tên thành Thiếu Nhi Thánh Thể vào năm 1964.
Phong Trào TNTT được lớn mạnh trong cả nước do sự đầy mạnh của tất cả các Giám Mục địa phận trong nước. Đang trên đà phát triển phồn thịnh thì biến cố 1975 xảy đển khiến cho Phong Trào bị ngưng hoạt động. Tuy nhiên Phong Trào không chết nhưng như hạt cải được vùi sâu trong lòng đất, luôn luân lưu trong giòng máu qúy Cha Tuyên ủy và các Huynh trưởng, được nẩy mầm và tiếp tục lan tràn qua các trại tị nạn và sau cùng đến đất Canada, Hoa Kỳ, Pháp, Úc Châu, v.v... theo làn sóng tị nạn.
Về phương diện tâm linh Phong Trào là cái phao cứu vớt bao nhiêu trẻ em bị trôi dạt trên biển đời tị nạn và là mái ấm gia đình nuôi dưỡng các em trẻ trong cuộc sống chia lìa mái ấm gia đình và quê hương. Phong Trào luôn luôn là mái ấm gia đình nuôi dưỡng và bảo vệ đời sống nhân bản và đạo đức cho giới trẻ trong thời đại mới.
Nơi nào có cộng đồng Việt Nam là nơi đó có TNTT. Ngay từ bước đầu khi các nhóm tị nạn bước chân đến Hoa Kỳ, các cộng đoàn bắt đầu gầy dựng lại Phong Trào TNTT tại các địa phương nhưng chưa được lớn mạnh. Mãi cho đến năm 1984, dịp Đại Hội Liên Đoàn Công Giáo Viết Nam tại Hoa Kỳ, Ban Chấp Hành Trung Ương được thành lập tại thành phố New Orleans, tiểu bang Loussiana, nơi có cộng đồng Công Giáo mạnh nhất thời bấy giờ. Tuy gặp nhiều khó khăn trong hoản cảnh tị nạn buổi ban đầu, Phong Trào luôn có dấu chỉ lớn mạnh vì tinh thần hy sinh dấn thân hoạt động của các thành viên kỳ cựu rất cao độ. Kề từ năm 1984 cho đến nay, Phong Trào luôn trên đà phát triển không ngừng tuy đường đời trải qua những lúc thăng trầm theo định luật của cuộc sống. Trong suốt thời gian dài từ 1929 đến 2011, Phong Trào TNTT Việt Nam sinh hoạt độc lập và không có sự liên lạc với các TNTT trên thế giới và cũng không một ai nghĩ rằng có TNTT nào khác trên thế giới.
Bỗng dựng năm 2011 Văn Phòng TNTT nhận được lá thư mời từ Văn Phòng TNTT quốc tế triệu tập Đại Hội TNTT thế giới lần đầu tiên tại nước Á Căn Đình. Trong dịp đó có 200 thành viên đại diện 30 nước đến tham dự. Tại Hoa Kỳ có ba linh mục và hai thành viên của Ban Chấp Hành Trung Ương tham dự. Đó là lần đầu tiên trong lịch sử Phong Trào TNTT Việt Nam được liên kết với các nước bạn trên thế giới. Cuộc họp tại Á Căn Đình là bước đầu để chuẩn bị cho Đại Hội TNTT thế giới lần II tại Roma vừa qua.
TNTT Việt Nam tại Hoa Kỳ đóng góp một phần lớn về mặt tinh thần trong Đại Hội TNTT thế giới năm 2015 vừa qua. Thành phần đại diện gồm có 150 Huynh Trưởng và Đoàn Sinh với sự hướng dẫn của Cha Tổng Tuyên Úy FX Nguyễn Thanh Bình, SVD, Cha Phó Tổng Tuyên Úy Quản Trị Phêrô Nguyễn Trọng Hiếu, SVD, và Cha Phó Tổng Tuyên Úy Nghiên Huấn FX Trần Anh Vũ, SCJ. Thành phần đại diện đông nhất trong Đại Hội là nước Ý, gồm 600 tham dự viên. Nếu không tính nước Ý là nước chủ nhà, TNTT Hoa Kỳ có con số đại diện đông nhất.
Chị Phó Chủ Tịch Quản Trị, Maria Gorreti Hồ Tân Uyên và anh Phó Chủ Tịch Nghiên Huấn Đaminh Hoàng Công Thái Dương được mời gọi chia sẻ và dạy khóa về sinh hoạt trong Phong Trào cho nhóm Anh Ngữ. Qua hai ngày học hỏi và trao đổi với nhau cho thấy TNTT Việt Nam có một lực lượng hùng hậu và cơ cấu sinh hoạt tổ chức chặt chẽ nhất so với nhiều nước bạn. TNTT Việt Nam thật sự được lớn mạnh trong nguồn gốc và căn tính của người TNTT. Các em mang đồng phục chính tể trong các nghi thức khai mạc, kết thúc, cũng như trong các cuộc hội họp khác. Các nước bạn thiếu hẳn những hình thức này; họ không mang đồng phục vì họ không có nhiều thành viên và vì thế không có tổ chức quy mô như TNTT tại Hoa Kỳ. Các em TNTT Việt Nam tham dự các thánh lễ một cách nghiêm trang cung kính làm cho nhiều Cha Tuyên Úy các nước bạn gật đầu tỏ vẻ ngưỡng mộ. Thái độ nghiêm trang giữa đám đông cho thấy các em TNTT Việt Nam được lớn mạnh trong kỷ luật và giáo dục. Điều này đáng nói lên niềm tự hào về văn hóa truyền thống và lối sống đạo của người Việt Nam.
Cách sinh hoạt của các nước bạn trong Đại Hội thoải mái và nhẹ về nghi thức và nghi lễ. Trang phục trong các nghi lễ là quần đùi và áo thun sát cánh để thoải mái trong thời tiết nóng. Đa số họ sinh ra trong nền văn hóa giàu âm nhạc và vì thế trong các buổi hội họp họ tạo sự náo nhiệt qua những bản nhạc vui tươi sống động.
Chương trình Đại Hội gồm có hai ngày học hỏi và được chia nhóm theo từng ngôn ngữ. Các thành viên có cơ hội thể hiện tình giao hữu và trao cho nhau tinh thần sống của người TNTT. Rât nhiều nhóm bạn còn chưa biết gì về TNTT vì họ mới được thành lập. Có một số nước bạn mới tham dự Đại Hội TNTT lần đầu tiên trong đời và vì thế đối với họ TNTT còn xa lạ và mới mẻ.
Ngoài hai ngày học hỏi, các tham dự viên có thêm được hai ngày được các hướng dẫn viên dẫn đi bộ theo các con đường trong thành phố Roma để tham quan những địa danh và các nhà thờ. Tuy đi đường không tránh khỏi sự mệt mỏi và khát nước giữa mùa hè tháng Tám của Roma, nhưng tinh thần phấn khởi vui tươi làm cho cơn mệt nhọc biến tan nhanh chóng. Niềm vui tột đỉnh trong các chuyến tham quan bên ngoài là ngày diện kiến Đức Thánh Cha. Ngày đó ai ai cũng phấn khởi vui tươi để mong chờ giây phút gặp gỡ Đức Thánh Cha vì đây là cơ hội hiếm có trong đời người.
Đêm cuối cùng của Đại Hội là đêm văn hóa. Đại diện các nước trình diễn những điệu múa dân ca của từng địa phương giúp tham dự viên cảm nghiệm về sự đa dạng của văn hóa thế giới và từ đó gây mối thân thiện hơn. Tám em TNTT đoàn Andrê Dũng Lạc Miền Nam tại Houston trình diễn màn múa “Người Từ Phương Bắc” trong những chiếc áo ba tà màu sắc với nét đẹp văn hóa Miền Bắc gây được nhiều sự chú ý và ngưỡng mộ của khán giả.
Đêm trình diễn văn hóa cũng là đêm kết thúc năm ngày Đại Hội. Mọi thành phần tham dự cảm thấy luyến tiếc bùi ngùi trước giờ phút chia tay. Từng nhóm năm bảy người xúm lại trao cho nhau quà kỷ niệm cá nhân và những tấm hình selfie thời đại.
Giờ phút sau cùng để lại nhiều hứa hẹn cho lần tới mặc dù chưa biết sẽ gặp nhau nơi nào. Với kỹ thuật hiện đại như facebook, chắc chắn các nước sẽ được liên kết với nhau cách chặt chẽ hơn. Mọi người ra về trong phấn khởi và vui tươi nhưng kèm theo tí bùi ngùi. Đại Hội mừng kỷ một trăm năm thành lập Phong Trào là một kỷ niệm khắc ghi sâu đậm khó phai tàn trong đời người Thiếu Nhi Thánh Thể.
Ước mong năm 2029 dịp kỷ niệm 100 TNTT hiện diện tại Việt Nam, đất nước VN chúng ta có thể sẵn sàng chào đón TNTT khắp nơi trên thế giới cùng đến với quê hương thân yêu hình chữ S thật sự hài hòa, thanh bình và thịnh vượng.
(Lm. FX Nguyễn Thanh Bình, SVD, VCN 16.09.2015)
0 comments Blogger 0 Facebook
Post a Comment