BẢN ĐÚC KẾT KHÓA GẶP GỠ XVI

Mục Vụ Trưởng Thành CGVN tại Pháp

Học hỏi về đề tài:

« 2015, năm Đời Sống Thánh Hiến: sống đạo và ơn gọi »

từ 14 đến 17/5/2015 tại trung tâm MASSABIELLE Saint Joseph

1, rue Auguste REY, 95390 SAINT PRIX, www.massabielle. net

 
Năm Thánh Hiến đã được chính thức khai mạc tại Roma vào Chúa Nhật I mùa Vọng, ngày 30/11/ 2014.

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi cho tất các bậc thánh hiến đã được đọc trong thánh lễ khai mạc. Ngài đề cao dạng thức đặc biệt trong Giáo Hội của bậc sống thánh hiến sẵn sàng ‘từ bỏ tất cả để bắt chước Chúa Kitô ‘. Ba từ mấu chốt để sống trong năm nay: vui tươi, can đảm và hiệp thông.

Trung thành với hoài bão của Người Cha Chung, Ban Mục Vụ Trưởng Thành CGVN tại Pháp cũng tổ chức khoá gặp gỡ tại Saint Prix với sự tham dự của 13 Cộng Đoàn, Ban Tuyên Úy, Giới Trưởng Thành, Quí Đức Ông Mai Đức Vinh, quí cha, qúi nam nữ tu sĩ và giáo dân.

Số tham dự viên được chia thành 5 nhóm để bàn thảo và đúc kết các bài thuyết trình, cũng như các chứng từ.

Để khai mạc khóa học hỏi, cha Tổng Tuyên Úy Nguyễn Kim Sang đã cho biết lý do chọn hai đề tài:

1 / năm 2015, năm đời sống thánh hiến: SỐNG ĐẠO.

2/ năm 2015, năm đời sống thánh hiến: ƠN GỌI

Mục đích của hai đề tài này: Tạ ơn Chúa (thống hối, tha thứ) - Hướng về tương lai (cổ động ơn gọi, sự dấn thân của tu sĩ, linh mục) - Sống ơn gọi chín chắn (của nam nữ tu sĩ).

Đề tài học hỏi được áp dụng theo dụ ngôn ‘Cây nho và ngành nho’ như Chúa và Giáo Hội.

Ơn gọi này phải được xuất phát từ gia đình: sống ơn gọi cụ thể và đích thực để sinh nhiều hoa trái và làm chứng nhân tình yêu của Chúa nơi trần thế.

THUYẾT TRÌNH ĐỀ TÀI I : do ông Many Hùng.

năm 2015, năm đời sống thánh hiến: SỐNG ĐẠO.

1. Người giáo dân là ai ?

Giáo dân là người tín hữu sống giữa đời, được lãnh nhận bí tích thánh tẩy. Qua bí tích này, họ được thấm nhập vào thân thể màu nhiệm Chúa Kitô, được đặc biệt mời gọi qiúp Giáo Hội qua ba chức vụ: Tư Tế, Ngôn Sứ và Vương Giả của Ngài.

a/ Vai trò Tư Tế: nhờ chức vụ Tư Tế, người giáo dân có thể thực sự thánh hóa đời sống mình, thánh hóa mọi sinh hoạt trần thế. Tất cả đều trở nên của lễ thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa nhờ Chúa Kitô.

b/ Vai trò Ngôn sứ: người giáo dân tham gia vào chức vụ Ngôn Sứ của Đức Giêsu bằng cách góp phần vào sứ vụ loan báo ý định cứu độ của Thiên Chúa cho nhân loại: họ bày tỏ đức tin và đức ái cho những người chung quanh, trong lãnh vực nghề nghiệp, và nhất là trong đời sống gia đình.

c/ Vai trò Vương giả: lĩnh nhận chức vụ vương giả, người giáo dân được hưởng một sự tự do đích thực, không còn làm nô lệ ác thần, chiến thắng ách thống trị của tội lỗi nơi mình, và có trách nhiệm phải hăng say hoạt động để đưa tất cả mọi anh chị em của mình về với Thiên Chúa.

NHỮNG CẢN TRỞ TRONG VIỆC SỐNG ĐẠO:

Những thách đố sống đạo trong xã hội hôm nay: khiến lòng đạo đức và đời sống đức tin của nhiều anh chị em giáo dân, đăc biệt những người trẻ hôm nay ngày càng sa sút.

-Xã hội hôm nay vô thần, vô luân lý, vô đạo đức và duy vật dưới chiêu bài bình đẳng và thế tục. Một xã hội chối bỏ Thiên Chúa, đề cao vật chất và hưởng thụ.

-Cho tự do, cho phép phá thai được bồi hoàn 100% chẳng hạn.

-Cho phép cử hành hôn nhân đồng tính.

-Cho phép các bé gái vị thành niên uống thuốc ngừa thai…

SỐNG ĐẠO TRONG XÃ HỘI HÔM NAY:

-Mến Chúa yêu người là hai điều căn bản của cuộc sống đạo.

-Sống hiệp thông của giáo dân mang ý nghĩa về sự quan hệ của giáo dân với Thiên Chúa, cũng như các giáo dân với nhau trong Đức Kitô, nhờ Chúa Thánh thần.

-Trong gia đình, trong giáo xứ, mỗi người giáo dân phải liên kết với Thiên Chúa qua đời sống cầu nguyện mỗi ngày.

KẾT LUẬN:

Trong cuộc lữ hành trên trần thế, chúng ta sẽ gặp nhiều cám dỗ, thách đố, chịu đựng khổ đau…Nhưng chắc hẳn phần thưởng sẽ chờ chúng ta nơi cuối đường, nếu chúng ta biết sống theo tinh thần Phúc Âm.

Sống đạo hôm nay cũng là sống tích cực, góp phần vào việc xây dựng hạnh phúc cho mọi người. Chính nhờ mồi tương quan xã hội đó mà chúng ta có cơ hội để truyền giáo, để giao tế, để cộng tác, để hiệp nhất, để yêu thương và làm chứng cho Thiên Chúa Tình Yêu.

ĐÚC KẾT CỦA NĂM NHÓM QUA BỐN CÂU HỎI CỦA ĐỀ TÀI I: SỐNG ĐẠO

1: Bạn tìm thấy những phương thế để tăng cường việc sống đạo của bạn ở đâu ?

-Qua sự cầu nguyện để nhờ lòng thương xót Chúa, Thánh Linh nâng đỡ và biến đổi cách sống đạo của chúng ta mỗi ngày một tốt hơn (chẳng hạn ít phán đoán người khác, được niềm vui và bình an trong tâm hồn), biết dấn thân cho việc tông đồ nhiều hơn, biết thể hiện lòng bác ái trong cuộc sống hàng ngày.

-Qua Bí tích Thánh Thể để Chúa luôn ở trong ta và để nuôi dưỡng linh hồn chúng ta, cũng như để niềm vui của chúng ta được trọn vẹn trong sự quan phòng của Thánh Linh.

-Qua sự thinh lặng trong thời gian chầu Mình Thánh, chúng ta được kết hợp mật thiết với Chúa, từ đó chúng ta nhận chân ra sự sai sót của mình, giao hòa với Thiên Chúa qua bí tích Giải Tội, nhằm việc sống đạo của chúng ta được tăng cường và sốt sắng hơn.

2 Khi lâm vào một cơn khủng hoảng, bạn thường đến đâu ? Lúc đó bạn cảm thấy điều gì nâng đỡ mình ? Bạn có được bạn bè Kitô hữu nào nâng đỡ không ?

-Khi gặp hoạn nạn, khủng hoảng tinh thần, chúng ta phải tìm đến với Chúa qua cha xứ, để bộc lộ những ưu tư của mình cho cha nghe và xin lời khuyên của ngài. Nhờ đó, chúng ta cũng nhẹ gánh lo âu.

-Ngước mắt nhìn lên Thánh Giá, nhìn xuống những đau khổ của mình. Từ đó, chúng ta thăng hoa sự đau khổ của mình làm món quà tinh tuyền dâng lên Chúa. Xin vâng và chấp nhận để Chúa biến đổi thành những mầm sống để sinh hoa trái trong gia đình và cho chính bản thân. Mong sao Thánh giá Chúa sẽ ban cho chúng ta sự can đảm và sức mạnh để vượt qua sự hoạn nạn và khủng hoảng tinh thần này.

3/ Bạn làm sao để quyết định khi phải đứng trước những giằng co giữa việc sống đạo và các bổn phận khác ?

Trước những quyết định khó khăn giữa việc sống đạo và các bổn phận khác, chúng ta hãy cầu nguyện phó thác vào Chúa, xin Chúa soi sáng cho chúng ta, giúp chúng ta quyết định.

Lời Chúa trong Thánh Kinh sẽ cho chúng ta câu trả lời, giúp chúng ta dung hòa và lựa chọn.

4 / Bạn liên lạc với Thiên Chúa bằng cách nào ? Thánh Kinh liên hệ thế nào với bạn ?

Liên lạc với Chúa qua kinh nguyện, Bí Tích Thánh Thể, chầu Mình Thánh Chúa. Qua những chia sẻ yêu thương với tha nhân, luôn thực thi Lời Chúa trong Kinh Thánh. Chúa sẽ dẫn đưa chúng ta đến con đường ánh sáng, đường sự thật và đường sự sống.

---------------------------------------------------

THUYẾT TRÌNH ĐỀ TÀI I I: ĐÔ MAI ĐỨC VINH

TÓM LƯỢC TÔNG THƯ

của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi cho tất cả những người đang sống tận hiến nhân dịp Năm Đời Sống Thánh Hiến.

Để chúng ta thấu triệt những điều trong bức tông thư này, ĐÔ Mai Đức Vinh đã tóm lược và giải thích cho chúng ta hiểu rõ ý nghĩa các phần của tông thư này:

Nhập đề:

ĐGH ý thức bổn phận phải củng cố đức tin của các linh mục, tu sĩ, chủng sinh và thỉnh sinh. Đồng thời kỷ niệm 50 năm Công Đồng Vatican I I ban hành hiến chế về Giáo Hội (Lumen Gentium) và sắc lệnh về Dòng Tu (Perfectae Caritatis) cùng khai mạc Năm Đời Sống Thánh Hiến.

Nội dung:

Gồm ba chương:

Chương I: ba mục tiêu của năm Đời Sống Thánh Hiến:

a/Nhìn về quá khứ với niềm tri ân: Tri ân các vị lập dòng đã được Thánh Thần Thiên Chúa hướng dẫn nhận ra dấu chỉ thời đại và nhu cầu của Giáo Hội, nên đã đưa ra một lối sống đặc sủng. Sự sáng tạo cùng sức mạnh thiêng liêng mà Chúa đã ban cho các ngài: hoạt động tông đồ và bác ái thích hợp đã thu hút các ngài một gia đình thiêng liêng quen gọi là DÒNG TU hay TU HỘI. Đồng thời cố gắng trung thành với đặc sủng của các bậc đi trước.

b/Sống hiện tại một cách say mê: Nhìn về quá khứ để củng cố hiện tại và chuẩn bị cho tương lai. Chủ đích vẫn là: có luôn sống trung thành với đặc sủng của các bậc tiền bối sáng lập, có luôn gắn bó với Tin Mừng, hiệp thông với Giáo Hội và xã hội, phục vụ Dân Chúa với niềm vui, đặc biệt cho những người nghèo khổ, thành tâm xây dựng hiệp nhất trong cộng đoàn ?

c/Hướng về tương lai trong niềm hy vọng: Thực tế không phủ nhận được là hiện nay hơn xưa kia, đời sống thánh hiến trải qua nhiều giao động khó khăn, dưới mọi hình thức (thiếu ơn gọi, già nhiều hơn trẻ, khủng hoảng tài chính, thu hẹp hoạt động, mất chỗ đứng trong xã hội…). Dẫu vậy, chúng ta phải luôn luôn trung thành, tín thác.

Với sự hướng dẫn của Thánh Linh, với sức mạnh của Thiên Chúa và gắn bó với Tin Mừng, với niềm hy vọng và xác tín vào lòng thương xót Chúa …sẽ tạo điều kiện cho những người trẻ sống thánh hiến biết kiên trì và hy vọng.

Chương II: Những chờ đợi của năm Đời Sống Thánh Hiến.

a)Sống thánh hiến trong niềm vui: Đi tu (sống thánh hiến) không phải chỉ cho mình, mà là cho Giáo Hội và xã hội, phải là muối mặn, đèn sáng và men nồng cho nhân loại.

Người sống thánh hiến phải cương quyết chống lại những tên tử thù: buồn rầu, kêu trách, khép kín …mà phải luôn luôn giữ niềm hy vọng và xác tín, phải là con người hạnh phúc được Chúa tuyển chọn, hạnh phúc sống đời huynh đệ trong cộng đoàn, hạnh phúc được phục vụ dân Chúa cách riêng cho người nghèo khổ.

b)Người sống thánh hiến đóng vai NGÔN SỨ: Người sống thánh hiến không phải chỉ biết sống đời tu hành, mà còn phải biết đào sâu quá khứ, lịch sử, nguồn gốc…phải biết nhận ra và giải thích đúng các dấu chỉ, các biến cố, biết đưa ra ánh sáng những bất công và những tội ác, phải suy nghĩ và đáp ứng nhu cầu xã hội, cố gắng làm bổn phận của mình.

c)Người sống thánh hiến phải biết sống hiệp thông: Hiệp thông là linh đạo của người thánh hiến phải sống Họ luôn phải biết hiệp nhất, đồng tâm nhất trí để phục vụ nhau, và tha nhân đươc bình an của Chúa ngự trị trong tu hội và mang lại niềm vui cho đoàn thể. Kẻ thù của hiệp thông là phê bình, ganh tị, chỉ trích, chia rẽ, gây bè cánh (chẳng hạn trong nhà dòng nếu chỉ nghĩ tới thứ bậc thì thật nguy hiểm cho việc sống thánh hiến).

Nhờ tinh thần hiệp thông trong tu viện, người sống thánh hiến luôn được gắn liền với Giáo Hội và mọi người thiện chí trong xã hội, cũng như hiệp thông với các anh chị em khác.

c)Người sống thánh hiến cần mở rộng linh đạo hiệp thông: Đừng quên lời Chúa dạy ‘ phải đi khắp phương thiên hạ ‘ (Marc 16,15) và ‘ tứ phương ‘ đều có người nghèo, người bệnh, người cô đơn, người đói khát tin mừng. Hiệp thông mở rộng trong các phạm vi giáo dục, văn hóa, chủng tộc. Khởi đầu từ môi trường tu viện -: phương thế hiệp thông là cầu nguyện, tôn trọng lẫn nhau, trao đổi, chia xẻ.

e)Người sống thánh hiến phải biết tự vấn về những mong đợi của Giáo Hội và nhân loại.

Cố tổ chức những cơ hội trao đổi giữa những người thánh hiến chiêm niệm và thánh hiến hoạt động có chung một vị sáng lập (Biển Đức, Xitô, Phanxicô…), giữa những dòng tu và tu hội có chung một văn hóa (miền, quốc gia).

Đừng tránh né, đừng khép kín và dậm chân tại chỗ.

CHƯƠNG III: Những chân trời mới của năm thánh hiến:

a/ Ngỏ lời với giáo dân: Giáo dân có thể chia xẻ linh đạo, hoạt động tông đồ, tổ chức mục vụ, tìm hiểu ơn gọi tận hiến để cộng tác để chia xẻ vui buồn của đời sống thánh hiến, chung sức rao giảng tin mừng.

b) Ngỏ lời với các người sống thánh hiến ngoài Công Giáo. Đời Đan tu là một gia sản của Giáo Hội hiệp nhất vẫn còn sinh động trong Giáo Hội Chính Thống và Công Giáo.Vì thế, theo ĐGH Phanxicô cần có những gặp gỡ, trao đổi và chia xẻ huynh đệ giữa hai linh đạo.Và xa hơn là có thể hoạt động bác ái, giáo dục chung trong những phạm vi khả dĩ.

Người sống thánh hiến cần sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

c) Ngỏ lời với các bậc tu trì trong các Giáo Hội lớn như Phật giáo, Ấn giáo đều có những hình thức tu trì đáng trân trọng: cần gặp gỡ, trao đổi và tự vấn, xây dựng.

d) Ngỏ lời với Giám mục chủ chăn: Xin các ngài quan tâm đến bậc sống thánh hiến trong giáo phận: trân trọng, khích lệ, thăng tiến, mở rộng sự tham gia tông đồ…(tổ chức các Hội đoàn yểm trợ ơn gọi tận hiến). Sau cùng ký thác cho Mẹ Maria, Đấng đã sống trọn ven đời thánh hiến.

------------------------------------------------

CHỨNG TỪ SỐNG ĐỘNG

CỦA QUÍ NỮ TU DÒNG ĐỨC BÀ TRUYỀN GIÁO

(Sr Nga, Sr Lan, Sr Thiên Ân).

Thật chân tình và cảm động khi đươc nghe quí Sơ dòng Đức Bà Truyền Giáo lên làm chứng từ về cuộc đời tu trì, đầy truân chiên, nhưng với sự quyết tâm theo Thầy Chí Thánh và phục vụ Tình Người, con đường chông gai đã nở hoa nơi xứ người.

-Sơ Nga, giới thiệu Dòng Đức Bà Truyền Giáo, thành lập năm 1861 tại Lyon (Pháp), hoạt động tại Phát Diệm vào năm 1924. Những mục đích của hội dòng là: đi vùng sâu, vùng xa, lo cho các dân tộc thiểu số - lo những phụ nữ lỡ lầm và trẻ em -dạy học (3-5 tuổi). Linh đạo của nhà dòng là CHIÊM NIỆM, HIỆP THÔNG và SỨ MỆNH.

-Sơ Lan và Sơ Thiên Ân thuật lại hành trình đời tận hiến đầy tân khổ, nhưng với quyết tâm theo Chúa, trên những vùng đất cằn cõi, hằn lên sỏi đá. Đã vững tâm, đã bền chí, dù nay sống nơi xứ người.

Đặc biệt là những lời chứng này hoàn toàn tự phát và đột biến. Nguyện chúc qúi Sơ vững tâm với Lời Hứa Tin Mừng. Tín thác và Cậy trông.

---------------------------------------------------------

ĐÚC KẾT CỦA NĂM NHÓM VỀ ĐỀ TÀI II: ƠN GỌI

Câu hỏi 1: Theo bạn, năm đời sống thánh hiến có liên quan gì đến người giáo dân ?

Năm đời sống thánh hiến, cách riêng là dành nhiều cho giới tu sĩ, nhưng giáo dân cũng được Chúa chọn và thanh tẩy qua bí tích rửa tội, trở nên con cái Chúa với ba chức vụ: tư tế, ngôn sứ, vương giả, và cùng mục đích với người sống thánh hiền, theo Chúa với niềm vui hy vọng và xác tín, cùng nhau rao giảng tin mừng để mở rộng nước Chúa và củng cố Giáo Hội. Vì vậy, người giáo dân luôn sống hiệp thông với Chúa và những người sống thánh hiến. Họ có bổn phận phải biết cảm thông, chia xẻ vui buồn, chia xẻ linh đạo, chia xẻ hoạt động tông đồ và mục vụ trong họ đạo.

Người sống thánh hiến được Chúa sai đến giúp cho giáo dân, ngược lại giáo dân phải ý thức sức mọn của mình, nên đặt tin tưởng vào sự hướng dẫn của linh mục, tu sĩ trong giáo xứ mình.

Giáo dân khai mở năm thánh hiến để tìm hiểu giá trị ơn gọi tận hiến, để cộng tác, tổ chức những hội yểm trợ ơn gọi tận hiến, bằng sự cầu nguyện và phương tiện, cùng động viên con cái dấn thân.

Câu hỏi 2: Tại sao ĐGH kêu gọi: Người sống Đời Thánh Hiến phải có tâm tình tri ân, phải vui vẻ sống hiện tại và hy vọng nhìn về tương lai ?

ĐGH kêu gọi người sống đời sống thánh hiến phải có tâm tình tri ân là để tìm về nguồn của ơn gọi. Các tu sĩ tìm lại mục đích ban đầu sự chọn lựa của mình.

Giáo dân tìm lại căn tính người Kitô hữu của mình.

Những người sống thánh hiến và giáo dân sau khi được phép rửa tội đều đi đến điểm chính yếu: là hy vọng Đức Kitô chịu chết và phục sinh để cứu rỗi chúng ta, ban cho chúng ta một cuộc sống vĩnh cửu, phục vụ cho ngừơi hèn mọn và khó nghèo. Mặc dù xã hội hôm nay nhiều giao động, nhiều khó khăn dưới mọi hình thức, chúng ta phải biết nhìn lại quá khứ để cảm tạ Chúa và tri ân những người sáng lập dòng và tu hội, củng cố hiện tại và chuẩn bị tương lai với niềm hy vọng, tín thác vào sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và vào sức mạnh của Thiên Chúa luôn gắn bó với tin mừng, giúp đỡ những người trẻ sống thánh hiến biết kiên trì và hy vọng.

Câu hỏi 3: Người giáo dân có thể cộng tác với đời sống thánh hiến trong những phạm vi nào ?

CẦU NGUYỆN: vì giáo dân cần đáp trả lại những người sống tu trì đã dành nhiều thì giờ cầu nguyện cho mình.

GÓP PHẦN VẬT CHẤT để làm nghẹ gánh cho các dòng tu, góp công sức trong khả năng có thể của mình.

NGHĨ đến Giáo Hội Mẹ Việt Nam.

---------------------

Cũng như mọi khóa gặp gỡ khác, ngày Chúa Nhật là ngày tổng hợp, rút ưu khuyết điểm của khóa gặp gỡ.

Ưu Điểm của khóa XVI:

-Mọi thành viên cảm thấy thoải mái, vui vẻ, và sẵn sàng mời gọi thêm thân hữu trong những khóa gặp gỡ về sau Bởi đây là một đề tài thân thương, tương hợp với mọi gia đình Nhưng duyên do chính là Niềm vui gặp gỡ, sống trọn tâm tình Công Giáo…dù chưa một lần gặp gỡ.

Khuyết Điểm:

-Đại hội có sự trục trặc trong phút chót về các chuyên viên chụp hình. Sự kiện này xảy ra ngoài ý muốn. Nhưng nhờ Chị Linh Đan (Orléans) và anh Xuân Anh (Lille), hy vọng diễn hành tốt đẹp.Có nhiều đề nghị cho những khoá tới, nhưng nhiều đề tài đã được bàn trong những khóa trước… (sic). Xin vui lòng chờ đợi.

Trung thành với những ngày đầu của bao khóa gặp gỡ, chúng tôi luôn trung thành với chứng từ những ngày khởi đấu: Kinh Sáng (Laudes), Thánh Lễ, Kinh Chiều (Complies), dâng lên Mẹ Thiên Chúa, xin trao nhau giấc n gủ bình an.

THAY LỜI KẾT:

Sau khi họp mặt, nêu lên những ưu khuyết điểm, giờ là lúc tiến về khoá gặp gỡ khoá XVII. Thánh Lễ như một Đỉnh Cao của những gì chúng tôi hoài vọng. Chúng tôi cám ơn Trung Tâm Saint Prix đã sẵn lòng tiếp đón chúng tôi với tất cả tâm tình Công Giáo. Chúng tôi cũng xin gửi lời tri ân tới Hội Đồng Giám Mục Pháp, Ngoại kiều vụ (Commission Française Episcopale au Service des Migrants), không có sự trợ giúp tài chính của Ủy ban này, chúng ta cũng khó tổ chức những khóa học hỏi:

-Ngày họp mặt của giơi trẻ VN tại Pháp (Champagne /Ardèche 08-11/5/2014)

-Khóa huấn luyện căn bản ca trưởng phụng vụ IV tại Paris (24-26/4/2015).

-Khóa Mục Vụ Trưởng Thành (14-17/05/2015) tại St Prix.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta và hẹn sớm tao ngộ.

Ban thư ký

Agnès Thảo, ĐQKhánh, Nguyễn Xuân Anh

0 comments Blogger 0 Facebook

Post a Comment

 
Báo Công Giáo - Tin tức Công Giáo mới nhất về Giáo Hội Việt Nam © 2015. All Rights Reserved. Powered by Nhạc Thánh Ca
Top